CHIA SẺ KINH NGHIỆM TRỒNG SẦU RIÊNG

hoa sau rieng 1

CHIA SẺ KINH NGHIỆM TRỒNG SẦU RIÊNG.

PHẦN II. CHĂM SÓC SẦU RIÊNG KINH DOANH.
Chào bà con, chào các bạn, Sầu Riêng đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian vừa qua. Với mô hình xen canh Cà Phê & Sầu Riêng của gia đình thì bước đầu cho hiệu quả rất tốt. Nhưng cũng xin nhắc trước SR là cây trồng cực kỳ khó tính, không kén đất nhưng rất kén người. Ngoài yếu tố kỹ thuật thì người trồng cần phải siêng năng chịu khó, thường xuyên thăm vườn. Như lời của một lão nông ở Xuân Bảo: Làm SR khó lắm, phải chăm như chăm con thơ, Canh từng cơi đọt, lo từng đợt sương muối…..
Với kinh nghiệm ít ỏi, xin được chuyển đến bà con nhưng điều cơ bản, rồi trong quá trình chăm sóc bà con cần tự mày mò và đúc kết thêm kinh nghiệm cho mình.

Giai đoạn cây cho trái bón phân và chăm sóc như sau:

Lần 1:
– Ngay sau thu hoạch xong cần tỉa cành. Tỉa cành ốm yếu sâu bệnh, tỉa bớt cành nội thân ốm yếu. phun Đồng Đỏ, Norshield hoặc coc 85, hoặc thuốc gốc đồng để rửa vườn, loại bỏ bớt tàn dư nấm hại. Phun ướt đều thân cành và tán lá. Bón thêm 1-2 kg vôi để nâng độ pH của đất lên, giúp tăng cường hoạt động của các vi sinh vật có ích, hạn chế sự phát triển của các VSV có hại.
Để cây sầu riêng mau lại sức sau một mùa nuôi dưỡng trái, chúng ta cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu. Việc bón phân sẽ được chia làm 3 đợt bón tuỳ theo giai đoạn phát triển của cây. Lần bón thứ nhất, được xem là để giúp cây phục hồi và tạo cơi 1, liều lượng và loại phân bón cho mỗi cây sầu riêng bao gồm 20-40 kg phân bò hoai kết hợp với 5 gam nấm Tricoderma, hoặc 3-5 kg phân gà Dynamic, 5-10 kg phân hữu cơ vi sinh khác. Về phân vô cơ, nên áp dụng các công thức bón NPK (15.15.15) + Urê, tỉ lệ 2 :1, liều lượng 2-4 kg/cây. Ngoài ra cũng cần tưới các loại phân bón hữu cơ dạng nước, theo hướng dẫn trên bao bì . Bón vào khoảng 10-15 ngày sau thu hoạch.
-. Mỗi lần ra đọt thì rầy phấn thường hay xuất hiện gây hại, do đó khi đọt vừa nhú dạng ngòi viết thì tiến hành phun thuốc sâu + thuốc nấm ngừa, kết hợp phun phân qua lá để thúc đọt mọc nhanh.

Lần 2:
Lần bón thứ hai tạo cơi 2: Khi cơi 1 già chuẩn bị ra cơi 2 thì bón phân với hàm lượng lân cao nhằm giúp lá dày, cuốn ngắn, mập, hạn chế tối đa việc rụng lá sau này. Có thể dùng NPK 15.15.15 + DAP với tỉ lệ 1:1, liều lượng 2-3 kg/cây. Song song với việc bón phân, cần tưới nước thật đầy đủ trong suốt quá trình sinh trưởng này nếu gặp khô hạn, nhằm giúp cho rễ và đọt phát triển tốt.
– Mỗi lần ra đọt thì rầy phấn thường hay xuất hiện gây hại, do đó khi đọt vừa nhú dạng ngòi viết thì tiến hành phun thuốc sâu + thuốc nấm ngừa, kết hợp phun phân qua lá để thúc đọt mọc nhanh.

Lần 3.
Khi cơi đọt thứ 2 lụa thì bắt đầu bón phân đợt 3, sử dụng phân có hàm lượng lân và kali cao nhằm giúp cây chuyển giai đoạn từ sinh trưởng sang sinh sản tốt hơn. DAP + sulphate kali tỉ lệ 1 :1, liều lượng từ 2-4 kg/cây; hoặc 12.18.18.TE, liều lượng 2-4 kg/cây; kết hợp bón bổ sung TE (trung vi lượng) cho mỗi cây.

Kỹ thuật xử lý ra hoa
Bón phân lần 3, bón ở gốc kết hợp MKP phun ướt toàn lá với liều lượng 2kg/phi 200l, nhằm giúp lá mau thuần thục. Lúc này thời tiết đã chuyển qua mùa khô, khi gặp khô hạn khoảng 20 ngày thì SR sẽ nhú mầm hoa. Khi hoa có độ dài 2-3 cm thì bắt đầu tiến hành tưới theo. Cũng cần lưu ý việc ra đọt của cây nhằm tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng trong giai đoạn nở hoa và nuôi trái. Khống chế không cho ra đọt là đi ngược lại quy trình sinh trưởng của cây, do đó sẽ làm cây suy kiệt. Như vậy, phải làm sao cho cây ra đọt cùng lúc với ra hoa, tốt nhất là khi hoa nở thì đọt đã già. Muốn vậy, khi cung cấp nước cho cây, Bón Urê + DAP tỉ lệ 1/1. 2-3kg/ cây, để thúc ra đọt, kết hợp phun phân qua lá có hàm lượng N cao như 30.10. 10 + Atonik + Combi. Cơi đọt này cần được bảo vệ đặc biệt vì có vai trò nuôi dưỡng trái sau này.
Khi hoa có độ dài 3-4 cm thì bắt đầu tỉa bỏ tất cả các hoa ở đầu cành và sát gốc cành, chỉ chừa lại những chùm hoa ở giữa cành có khả năng mang trái. Sau đó phun thuốc ngừa bệnh thán thư cho hoa.
Việc bón phân nuôi hoa cũng rất cần thiết nhằm giúp cho hoa khoẻ, đậu trái tốt, đồng thời hỗ trợ cho việc ra đọt tốt hơn. Dùng phân NPK 15.15.15, liều dùng 1-2 kg/cây, chia 2 lần bón, mỗi lần cách nhau 10-12 ngày. Cũng cần phun phân qua lá 10.60.10 để giúp lá mau già, phun Bo nhằm tạo nhị đực tốt hơn, tăng cường thụ phấn và giúp đậu quả tốt. Trong giai đoạn này cũng cần cung cấp nước đầy đủ để hoa phát triển to, đều. Thiếu nước thì hoa không tròn đầy, dễ rụng, giảm khả năng đậu trái. Giai đoạn hoa nở thì giảm lượng nước và ngưng tưới nước khi hoa đang nở, sau đó tưới nhấp và tưới ổn định lại.
Xử lý đậu trái và chăm sóc nuôi dưỡng trái.
Khi trái to bằng trái trứng ngỗng, tiến hành tỉa trái. Tỉa bỏ bớt trái méo mó, trái trong chùm trên 3 trái, làm sao để trái rải đều không dính vào nhau là tốt nhất.
Quá trình sinh trưởng của quả có một khoảng thời gian quả lớn chậm hoặc ngừng lớn. Sau giai đoạn đậu trái là giai đoạn trái hình thành và ổn định. Đây là giai đoạn trái mới bắt đầu phân chia, hình thành hàng loạt tế bào mới, do đó trái lớn rất chậm. Trong quá trình phân chia tế bào, trái cần rất nhiều năng lượng và các auxin, do đó việc cung cấp dinh dưỡng cân đối với hàm lượng lân cao là rất cần thiết. Có thể sử dụng phân NPK 20.30.20; 15.30.15.
Kế thúc quá trình phân chia tế bào là đến giai đoạn trái lớn nhanh. Do sự lớn lên của tế bào. Ở giai đoạn này sẽ có hiện tượng rụng trái non, trái không đồng đều do dinh dưỡng không đầy đủ. Do đó, rất cần cung cấp dinh dưỡng cân đối, sử dụng NPK 15.15.15.
Sau gia đoạn tăng trưởng là đến giai đoạn trái ổn định và chín, trái gần như không còn lớn nữa. Đây cũng là giai đoạn tích luỹ tinh bột và tạo chất lượng quả. Do đó, việc cung cấp các nguyên tố trung và vi lượng là rất quan trọng nhằm giúp cho bộ lá quang hợp tốt hơn, cung cấp dinh dưỡng cân đối với hàm lượng kali cao, bởi vì kali đóng vai trò vận chuyển các chất dinh dưỡng cần thiết từ lá về nuôi trái, làm tăng phẩm chất trái nhờ chuyển hoá tinh bột nhanh. Có thể bón 12.12.18.TE
Lưu ý: Kali dùng trong giai đoạn mang trái bắt buộc phải dùng sulphate kali ( k2so4).
Vào cuối giai đoạn này, nếu cây bị sốc nước, dư nước thì trái sẽ bị sượng. Do đó, trước thu hoạch khoảng 15-20 ngày, cần giảm dần lượng nước.
Mời bà con đón đọc phần III, SÂU HẠI & BỆNH HẠI TRÊN CÂY SẦU RIÊNG.
Hỏi: Tại sao trái SR rụng nhiều quá..
Trả lời: Trái Sr rụng có nhiều nguyên nhân:
1) Rụng sinh lý. Do khi làm bông trái đậu quá nhiều, sinh lý cây buộc phải cho rụng bớt để giữ sức của cây.
2) Sốc nước, khô hạn. Nếu ta tưới đột ngột với lượng nước lớn, hay gặp cơn mưa trái mùa khiến cây đột ngột dự nước, hoặc tưới không đủ nước thì cũng sảy ra hiện tượng rụng trái non.
3) Nếu trái chưa đủ 1,5 kg mà cây ra đọt non, thì cây sẽ tập trung dinh dưỡng nuôi đọt mà quên nuôi trái nên trái sẽ bị rụng. Thường SR bà con bị rụng nhiều là do nguyên nhân này, có khi rụng chẳng còn trái nào luôn.
Khắc phục: nguyên nhân 1 và 2 bà con làm thep cách sau. Tưới ổn định, không để quá thừa hoặc quá thiếu nước. Nếu phát hiện thấy có trái rụng thì phun canxi-bo.
Nguyên nhân 3. Như tôi đã nói từ đầu, khi hoa nở thì buộc lá phải vừa già, nếu không trong thời gian nuôi trái cây sẽ đi đọt, mà đi đọt thì trái sẽ rụng. khắc phục bằng cách. khi thấy cây có dấu hiệu ra đọt, ta cần phun gấp MKP với hàm lượng 3 kg/ phi 200l. Để kềm đọt lại, cần thiết có thể phun 2-3 lần cách nhau 10-15 ngày, chờ khi trái lớn hơn 1,5 kg cây có đi đọt thì trái sẽ không rụng nữa.

Nguồn: Đỗ Trường Sơn

Call Now Button