Các bạn thân mến, như đã hứa hôm trước nên tôi sẽ viết 1 bài phân tích về các hóa chất để xử lý ức chế đọt non sầu riêng nhằm hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng giúp cây sẽ rụng ít trái hơn. Trước khi đi vào phân tích thì tôi cũng muốn nói luôn là không có loại thuốc nào thần tiên, siêu phàm để chống rụng trái non cho cây ăn trái bởi vì nó đã là sinh lý, không bao giờ thay đổi. Nói riêng như cây sầu riêng các bạn đang trồng thì lúc xả nhụy đậu trái nó sẽ rụng 1 đợt, lúc bằng trứng gà trứng vịt (3-4 tuần sau đậu) sẽ rụng 1 đợt nhiều nữa và giai đoạn rụng cuối tầm 40-45 ngày (giai đoạn này thường không rụng nhiều nếu chúng ta kiểm soát đọt non tốt).
Bản thân tôi là người đi tư vấn khá nhiều vườn của các vùng miền nên biết được tương đối nhiều, có bao nhiêu kiến thức tôi săn sàng chia sẻ không giấu bà con làm gì. Tuy nhiên trong thực tế thì kiến thức của mỗi người đều có hạn nên những phân tích của tôi nếu có gì sai hoặc thiếu sót mong mọi người đóng góp ý kiến để thành viên trong hội có được nhiều kiến thức hay mà áp dụng. Đặc biệt trong này tôi có phân tích các sản phẩm của các công ty (tôi sẽ giấu tên công ty), do tôi không trực tiếp làm những sản phẩm đó nên ko hiểu hết được các phụ gia bên trong, tôi chỉ đọc thông số chính để phân tích.
Do đó nếu có các anh kỹ thuật của công ty đó trong hội này thì có thể bổ sung thêm vào sản phẩm của mình.
* Trước hết tôi sẽ phân tích thực trạng trồng: cái này cũng chỉ tính tương đối
Chúng ta có thể chia làm 3 vùng
– Miền Tây khí hậu ôn hòa, bà con thường xử lý nghịch để né các vùng trồng nhiều ở miền Đông, Tây nguyên.
– Miền đông: Tây Ninh, Đồng nai, Bình dương, Bình phước, thường ra sớm hơn.
– Cao nguyên: Lâm đồng, Daknong, Daklak, Gia lai, Kontum, và 1 phần Khánh hòa. Thêm 1 ít Bình định, Quảng ngãi, Quảng nam.
Khi chúng ta có 3 vùng trồng rồi nhưng vấn đề ám ảnh nhất đối với cây sầu riêng là ra đọt non khi cây đang mang trái. Nhiều vườn không biết xử lý là sẽ rụng sẽ trái, đặc biệt là khu vực Miền đông, Cao nguyên.
Xử lý đọt non sầu riêng có 2 trường phái: dùng hóa chất ức chế và dùng dinh dưỡng ức chế. Mỗi cách có 1 thế mạnh riêng nhưng tôi thì thiên về việc dùng dunh dưỡng sẽ ít tổn hại cây hơn.
* Về hóa chất:
– Chất đầu tiên là Paclobutrazol: đây là chất ức chế sinh trưởng phổ biến nhất để xử lý ra hoa nghịch mùa nên bà con Miền Tây sử dụng là nhiều nhất, cơ chế của nó là làm khô hạn nhân tạo rễ cây không hút nước hút phân từ dưới gốc lên nên người dân chỉ phun phân bón lá là có thể phân hóa mầm hoa tốt, cách này chỉ phù hợp với miền tây vì khí hậu ôn hòa, nước nôi đầy đủ, lượng hữu cơ từ phù sa bồi đắp tự nhiên khá nhiều nên sau khi nó thể hiện tác dụng thì nước và phù sa đã giải bớt độc tố của nó. Tuy nhiên là bà con miền tây nếu nhìn nhận kỹ thì sẽ thấy mấy năm gần đây tù khi đê bao ngăn lũ thì cây lại bệnh tật, mau già cỗi hơn là vậy. Từ đó người ta áp dụng qua việc chặn đọt và chỉnh trái cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên như tôi nói thì cách này chỉ nên áp dụng miền tây, còn miền đông, cao nguyên chúng ta chỉ làm sớm vụ hoặc thuận vụ thì không nên làm vì rất dễ tổn thương cây. Do lượng nước tưới không đủ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cây sr mới được chăm sóc đúng mức vài năm gần đây mà thôi. Mà điển hình nhiều vườn ở daklak đã bị chết, hư cây do paclo khá nhiều. Điều này có thể các anh em ở daklak xác nhận kiểm chứng.
– Chất thứ 2 là KClO3 đây là chất oxy hóa khử, nó cũng gần giống như paclo khi đưa xuống gốc nó sẽ hút hết oxy chỉ còn cacbonic nên rễ cây bị ngộp tạo sốc để xử lý ra hoa, khi áp dụng chặn đọt thì nó sẽ làm già lá rất nhanh, nhưng tác hại của nó thì cũng khôn lường. Cây sẽ bị ảnh hưởng sinh trưởng sau này, trong sản phẩm DH10 mà hiện nay khá nhiều bà con trên tây nguyên đang dùng theo kinh nghiệm của tôi thì người ta đang dùng hóa chất này trong sản phẩm.
– Chất thứ 3 là ethephon: đây là chất điều hoa theo hướng ức chế bằng phương pháp tạo khí etylen nội sinh thúc đẩy quá trình sinh trưởng nhanh già, điển hình là HPC 97, MX-Ethephon. Các này khi xử lý thì nó làm cho quá trình lão hóa đọt nhanh giúp hạn chế việc rụng trái nhưng gai nó sẽ vàng, khó làm xanh da sau này. loại hóa chất này thích hợp nhất là giúp trái chín nhanh và đều
– Chất thứ 4 là thioure: chất này theo tôi được biết là anh Nguyễn Ngọc Trung trước đây cũng có dùng cho việc xử lý ra hoa cho trang trại sầu riêng của mình. Đây là chất đạm 3 giúp cây hấp thu cực kỳ nhanh, nó phá miên trạng để cây ra hoa nhanh. Nhưng kềm theo đó nồng độ không đúng thì nó sẽ rất dễ gây cháy mầm. Khi đọt non xử lý chất này sẽ tương tự như vậy. Cháy đọt non và rụng lá già trên sầu riêng thì chất này thuộc dạng manh nhất do cây rất mẫn cảm. Trước đây công ty chúng tôi cũng sản xuất loại này nhưng rủi ro cao khi bà con nông dân dùng nên thôi không sản xuất nữa.
* Về dinh dưỡng:
– Chất thứ 1 tôi muốn nói đến là KNO3 (Kali nitrat) đây có thể là chất dinh dưỡng nhưng cũng có thể hiểu nó là hóa chất cơ bản. Tôi thấy trên diễn đàn có nhiều người chỉ cách chặn đọt bằng loại này nhưng theo tôi thì KNO3 chặn đọt sẽ không hiệu quả. Vì sao? Khi trái non rụng do đọt non nhú thì cái cần nhất là làm sao cho đọt già nhanh để lá không cạnh tranh dinh dưỡng với trái non. Trong khi đó kno3 khi dưa vào thì gốc đạm nitrat sẽ bốc trước và nó vô tình nuôi lá non nhiều hơn nên trái non sẽ còn rụng ác hơn nữa. Sau khi no3 được lá hấp thu xong thì mới tới gốc kali để già lá thì đôi khi trên cây không còn trái nào cả. Do đó kno3 chỉ nên dùng khi chúng ta chủ dộng điều khiển đọt non từ sớm.
– Chất thứ 2 và phổ biến nhất là MKP (hóa chất cơ bản) đây là loại phân mà hiện nay các vùng miền trồng sầu riêng đều sử dụng khi ức chế đọt. Ưu điểm của nó là già nhanh và khá an toàn (nếu đúng MKP chuẩn), khuyết điểm của nó là nếu lạm dụng quá mức thì dễ bị cháy lá và gai vàng khó làm xanh. Ngoài ra nó còn 1 khuyết điểm là nguồn cung cấp qua đa dạng, thượng vàng hạ cám nên chất lượng không thể kiểm soát nổi. Do đó các công ty vô lương tâm nhập hàng đểu về bán thì bà con phun vào tiền mất tật lại mang. Hiệu quả không có, tốn công tốn của vô ích.
– Thứ 3 là các loại phân đa lượng phức hợp: các loại này thì hiện nay rất nhiều công ty đang sản xuất, mỗi công ty đều có 1 công thức riêng (qua hình ảnh thì bà con sẽ biết là nó nhìu như thế nào) và tên của nó thì rất kêu, nào là vua nào là siêu vân vân và vân vân. Có nhiều bà con khi liên hệ với tôi khen sản phẩm này rất tốt sản phẩm kia thì yếu. Nhưng khi tôi hỏi lại có biết vì sao sản phẩm này tốt hay ko thì hầu như họ không có câu trả lời. Vì sao? Trên thực tế thì nhiều công ty pha thêm paclo làm phụ gia nhưng không có ghi trên nhãn mác để né tránh cơ quan chức năng, nên khi phun vào cây đang mang đọt thì nó sựng lại và thấy cây trái có vẻ an toàn và hiệu quả nhưng thực tế thì những vườn miền đông, cao nguyên sẽ chịu ảnh hưởng lâu dài vì hóa chất này. Bà con xem lại nguyên nhân ở bên mục hóa chất phần 1.
– Phân bón lá đa lượng phức hơp chứa vi lượng làm xanh như MX3 thì có nhược điểm là nó không chặn đọt ngay lập tức, mà cơ chế nó là lân và kali giúp lá mau già, trái giảm rụng (giảm rụng chứ không phải là chống rụng). Chính vì vậy có nhiều bà con chưa hiểu thì đánh giá nó thấp. Bù lại thì ưu điểm nó như thế nào? MX3 là sản phẩm lân, kali cao đồng thời chứa nguyên tố kẽm giúp xanh lá xanh cây, nên khi phun nó thì yên tâm không bị cháy đọt, cơi đọt vẫn giữ thì sinh lý các cơi đọt sau sẽ ra yếu hơn trái sẽ không còn bị rụng nữa khi đi vào ổn định. Mỗi công ty có 1 công nghệ sản xuất riêng để khi nhà vườn sử dụng sẽ đem lại hiệu quả cao nhất có thể, tuy nhiên không phải công ty nào cũng có thể ứng dụng việc kết hợp các yếu tố đa vi lượng cho hiệu quả cao nhất. Do đó bà con khi dùng các yếu tố vi lượng dạng đơn với nồng độ cao mà thấy không hiệu quả là do vậy.
Trên đây là bài phân tích của tôi về các hóa chất tác động tới việc xử lý đọt sầu riêng. Bà con các vùng miền tham khảo để có thể đưa ra cách làm hiệu quả nhất đối với vườn của mình. Tất nhiên bài viết sẽ còn nhiều thiếu sót, mong các cao nhân chỉ giáo bổ sung thêm để cho người nông dân thêm được những kiến thức thực tế để làm vườn hiệu quả hơn.
Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi thì sầu riêng NÊN NUÔI CÂY HƠN NUÔI TRÁI. Cây còn thì của còn, cây chết thì mất của, chúng ta nên thuận theo tự nhiên để điều tiết cho nó hợp lý hơn mà thôi thì cây sẽ bền. Sinh lý cây cứ 1,5-3 tháng nó phải ra cơi đọt tùy mùa thì như vậy nó cứ phải ra, ép đọt, phá đọt quá nhiều tới khi chịu không nổi, tức nước vỡ bờ nó xì đọt ra cả trong các nách lá thì có thuốc tiên cũng không cứu được. Về phương pháp chặn đọt thì bà con có thể xem lại trên bài đã ghim.
Chào thân ái và chúc bà con thành công!
Nguồn : Chương Nguyễn